Đóng góp và được ghi danh Vũ_Phạm_Hàm

Thơ văn

Tác phẩm của ông chủ yếu được viết bằng chữ Hán, song cũng có nhiều tập văn thơ phú viết bằng chữ Nôm. Trong thư viện Khoa học Trung ương còn lưu trữ một số sách của ông, được thống kê như sau[2]:

- Kinh Sử Thi Tập (văn, sử), ký hiệu A.133- Tập Đường Thuật Hoài (văn), A.2354- Thám Hoa Văn Tập (văn), A.528- Hưng Hóa Phú (văn, sử), A.1055- Thư Trì Thi Tập (văn), tập thơ chữ Hán còn bản chép tay- Cầu Đơ Tỉnh nhân đinh phong tục tổng sách (địa), A.173- Đề từ một số sách như: Quốc triều Khoa bảng lục (tự), A.37 và Lễ trai văn tập (tự), A.1020

Văn thơ của ông chưa được phổ biến và ngày càng có ít người biết vì sách được lưu giữ trong thư viện đều là chữ Nôm và chữ Hán. Những bài đã được phiên dịch ra hoặc phiên âm nhiều người biết như bài phú Hương Sơn phong cảnh, bài Vịnh con cua, bài Đề ở lăng Đinh Tiên Hoàng trên núi Mã Yên - Mã Yên Sơn Lăng và khoảng hơn một chục bài vịnh về Hồ Tây và Hà Nội chỉ là một phần rất nhỏ trong toàn tập thơ văn của ông.

Ông có đôi câu đối hào hùng khí phách đề trước cửa đền Kiếp Bạc thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Đền Kiếp BạcVạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí萬 劫 有 山 皆 劍 氣 Lục Đầu vô thủy bất thu thanh六 頭 無 水 不 秋 聲

Tạm dịch nghĩa là:

Núi Vạn Kiếp đâu đâu cũng có tiếng gươm đaoSông Lục Đầu không ngọn sóng nào không có tiếng trống trận

Cũng có bản dịch là:

Vạn Kiếp núi lồng hình kiếm dựngLục Đầu vang dậy tiếng quân reo

hay

Vạn Kiếp núi cao hơi kiếm tỏaLục Đầu nước chảy tiếng thu vang

Chữ thu trong vế đối thứ hai của ông đã gây ra tranh luận từ nhiều năm sau này về ẩn ý của chữ đó, tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có giải đáp thỏa đáng.

Trong thời gian làm báo Đồng Văn (Đồng Văn Quán), bài phú Lê triều tiến sĩ đề danh bi của ông được các báo Trung Hoa thời đó ngợi khen là văn chương lỗi lạc và uyên bác[3].

Ghi danh

Tại Hà Nội, tên của ông đã từng được đặt cho một con phố trong giai đoạn 1945-1964 (thời Pháp thuộc gọi là Voie 104), thuộc Khu 1, gần Ngũ Xã, nay là phố Lạc Chính, Hà Nội. Tại Sài Gòn, từ thời Pháp thuộc đến năm 1975, tên của ông cũng được đặt cho một con phố nằm dọc Kênh Ngang số 3 nối từ Kênh Đôi sang Rạch Lò Gốm (thuộc quận 6), nay là phố Bình Đức, Tp. Hồ Chí Minh.

Ngày 14/7/2010, HĐND Hà Nội thông qua việc đổi tên phố và đặt tên phố mới ở một số quận, huyện. Trong đó, đáng lưu ý là việc thông qua đổi tên đường Trung Yên 1 (thuộc khu đô thị Trung Yên - do Ban quản lý khu đô thị tự đặt) thành đường Vũ Phạm Hàm[4]. Đường Vũ Phạm Hàm (dài 750 mét, có hai đoạn bị cắt bởi ngã tư) vốn được đề xuất đặt tên gồm hai danh nhân là Nguyễn Trung Ngạn và Vũ Phạm Hàm.

Theo Nghị quyết số 08/2010/NQ-HĐND của HĐND Thành phố Hà Nội, đường Vũ Phạm Hàm kéo dài từ ngã tư giao với phố Nguyễn Khang, nối với cầu 361 ra đường Láng đến ngã tư giao với đường Trung Kính, nối với đường vào khu đô thị Nam Trung Yên đi ra Phạm Hùng, rộng 30m, dài 750m.

Bia Tiến sĩ khắc tên ông được đặt tại Văn Thánh, Huế.